Trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ

Ngày 23 tháng 10, 2018
Trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ
 Trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ: Hoàn toàn khả thi
 
Việc trồng cây năng lượng tại các khu vực khai thác đã đóng cửa là hoàn toàn khả thi và có thể đem lại tác động tích cực đến kinh tế và môi trường.
​Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa năng động, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Phần lớn nguồn cung năng lượng hiện tại của Việt Nam bắt nguồn từ các nguồn năng lượng không tái tạo như nhiên liệu hóa thạch. Điều này làm gia tăng các vấn đề môi trường và góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý và khí hậu, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất cao. Bên cạnh năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đặc biệt là sản xuất năng lượng sinh học từ sinh khối có tiềm năng vô cùng to lớn. Năng lượng sinh học có sẵn tại địa phương, có thể dự trữ, giúp ổn định hệ thống năng lượng khi năng lượng gió và năng lượng mặt trời tạm thời không có sẵn và cung cấp năng lượng cho những ngôi nhà không kết nối với điện lưới. Hơn nữa, sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững có thể làm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Năng lượng sinh học có thể được sản xuất từ phân và chất thải hữu cơ hoặc từ cây năng lượng. Việc sản xuất cây năng lượng để tạo ra năng lượng sinh học đòi hỏi diện tích đất nông nghiệp lớn. Do đó, việc mở rộng diện tích trồng năng lượng có thể dẫn đến cạnh tranh trực tiếp với việc cung cấp thực phẩm tại địa phương góp phần làm tăng giá lương thực và có thể khiến an ninh lương thực địa phương gặp nhiều rủi ro. Ở Việt Nam, nơi đất trồng trọt ngày càng trở nên khan hiếm do mở rộng diện tích cơ sở hạ tầng, công nghiệp, nhà ở và giải trí, các địa điểm trồng cây năng lượng phải được lựa chọn kỹ lưỡng. Một lựa chọn là thúc đẩy trồng cây năng lượng ở những vùng không phù hợp với sản xuất lương thực, bao gồm các khu vực có điều kiện sinh thái không thuận lợi, hệ thống cấp nước còn hạn chế, khó khăn về địa hình, ô nhiễm hoặc đất có độ mầu và chấp lượng thấp.
 

Ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường 
 

Ở Việt Nam khai thác lộ thiên đã và đang để lại "đất sau khai thác" - là các khu vực rộng lớn cằn cỗi hầu như không có thực vật và một phần bị ô nhiễm kim loại nặng và các chất gây ô nhiễm khác. Hiện có khoảng 4.000 điểm khai thác trên toàn quốc.  Các địa điểm khai thác trước đây hầu như không phù hợp với sản xuất lương thực, điều này khiến chúng phù hợp cho các mục đích sử dụng khác như sản xuất sinh khối.

Luật Khoáng sản Việt Nam năm 2010 đưa ra các quy định về phục hồi môi trường xung quanh các khu khai thác đã đóng cửa. Trong bối cảnh này, việc sản xuất cây năng lượng có thể là một biện pháp phục hồi môi trường phù hợp: Giúp tạo ra thảm thực vật trên đất sau khai thác mỏ, giúp làm giảm xói mòn gió, nước và góp phần cải thiện chất lượng đất. Nó cũng góp phần tăng cường đa dạng sinh học thông qua việc tái định cư của các loài động vật, thực vật khác và cải thiện các vùng tiểu khí hậu. Có những loài cây trồng năng lượng thậm chí còn góp phần làm giảm hàm lượng chất gây ô nhiễm trong đất bằng cách hấp thụ chúng (hay còn gọi là “khử độc bằng phương pháp trồng cây”).

Ở cấp độ địa phương và khu vực, sản xuất năng lượng sinh học là một chiến lược thích hợp cho việc tái hòa nhập các khu khai thác đã đóng cửa thành một chu kỳ sử dụng phi khai thác, góp phần đa dạng hoá nguồn thu nhập của người dân địa phương.

Ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, việc sử dụng năng lượng sinh học từ các loại cây trồng trên mỏ sau khai thác có thể giảm phát thải khí nhà kính nếu nó thay thế việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch và tránh tác động tiêu cực đến khí hậu thông qua thay đổi sử dụng đất.


Ông Andreas Bieber, Trưởng Bộ phận Bảo vệ tài nguyên đất và các vị trí ô nhiễm môi trường, Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân (CHLB Đức)

Được quy hoạch và quản lý một cách bền vững và thận trọng, cân nhắc các điều kiện sinh thái và tác động kinh tế xã hội, việc trồng cây năng lượng có thể có tiềm năng lớn trong việc kết hợp phục hồi môi trường các khu mỏ sau khai thác với lợi ích kinh tế xã hội và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do điều kiện địa chất còn nhiều hạn chế, việc trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn cây trồng, phương pháp canh tác, giám sát, thu hoạch và chế biến.

Nhằm triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu trong khai thác khoáng sản tại Việt Nam, kể từ năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) và Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân (CHLB Đức) đã phối hợp nghiên cứu khả năng giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc trồng, sử dụng các loại cây trồng có khả năng sản sinh năng lượng sinh học tại các khu khai thác mỏ bị bỏ hoang và tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong các lĩnh vực trồng cây sản sinh năng lượng sinh học của Việt Nam.


Ông Michael Zschiesche, Giám đốc Viện độc lập về các vấn đề môi trường (CHLB Đức)

Trong khuôn khổ Dự án thí điểm “Trồng cây năng lượng trên bãi thải sau khai thác khoáng sản tại Việt Nam”, hai bên đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động như: Lập danh sách các bãi thải sau khai thác khoáng sản bị, thử nghiệm trồng cây có khả năng sản sinh năng lượng sinh học tại các bãi thải sau khai thác khoáng sản, xác định tiềm năng tận dụng và các phương pháp sử dụng sinh học khối, đánh giá tính kinh tế của việc trồng cây năng lượng, dự đoán các tác động do biến đổi khí hậu,…

Các loại cây năng lượng (keo lai, cỏ VA06, cao lương, sắn, mía đường, …) được trồng tại 03 bãi thải có đặc điểm khác nhau: Bãi thải từ khai thác than tại Quảng Ninh, bãi thải từ khai thác khoáng sản bô xít tại Lâm Đồng, bãi thải từ khai thác ti tan tại Núi Pháo (Thái Nguyên) và đều đạt được nhiều kết quả tốt. Dự án cũng triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các khu đất sau khai thác mỏ nhằm tăng cường công tác quản lý.

Chiều 11/10, tại Hà Nội, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân/Bộ phận Bảo vệ tài nguyên đất và các vị trí ô nhiễm môi trường (CHLB Đức) và Bộ Tài nguyên và Môi trường/Tổng cục Môi trường đã tổ chức hội thảo tổng kết giai đoạn một thực hiện dự án “Trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ” tại Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý đến từ các Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.



Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường và ông Andreas Bieber, Trưởng Bộ phận Bảo vệ tài nguyên đất và các vị trí ô nhiễm môi trường đều cho rằng: Mục tiêu của dự án là trồng thử nghiệm cây năng lượng trên đất mỏ để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực cho Việt Nam trong bảo vệ môi trường trên đất mỏ; giúp đỡ Việt Nam phục hồi chất lượng đất sau khai thác mỏ.

Để thực hiện các mục tiêu này, trong ba năm qua, dự án đã triển khai thí điểm việc trồng cây năng lượng tại các khu vực khai thác mỏ ở Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lâm Đồng. Kết quả cho thấy việc trồng cây năng lượng tại các khu vực khai thác mỏ đã đóng cửa là hoàn toàn khả thi và có thể đem lại tác động tích cực đến kinh tế và môi trường. Thành quả của dự án có thể là động lực cho đầu tư và nghiên cứu sâu hơn vào lĩnh vực này. Hai ông cũng hy vọng các kết quả của dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng tại Việt Nam và các nước tương đồng.

Bạn cần tư vấn, Liên hệ IDTECH ngay để được hỗ trợ

Hotline: 024.62692732