Cộng đồng chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, sản xuất, xử lý rác thải nhựa

Ngày 23 tháng 10, 2018
Cộng đồng chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, sản xuất, xử lý rác thải nhựa
 Cộng đồng chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, sản xuất, xử lý rác thải nhựa
 
​​Ngày 12/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo chuyên đề về chính sách, công nghệ xử lý rác thải nhựa. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã dự và chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu; giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách, mà trước hết là đối với sản phẩm nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần.
Trong thời gian qua, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon, chất thải nhựa, nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, các chương trình cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với chất thải nhựa và túi ni lon đã được Nhà nước, Chính phủ ban hành nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon vào môi trường tự nhiên; kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt... và đạt được một số kết quả nhất định.
Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015 Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa; nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu (khoảng 80%), trong đó  bao gồm phế liệu nhựa nhập khẩu, trong đó Nhựa bao bì (39%), nhựa gia dụng (32%), nhựa vật liệu xây dựng (14%), nhựa công nghệ cao (9%) và các nhóm còn lại (5%).
Đặc biệt, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, trong năm 1990 số lượng nhựa tiêu thụ trên đầu người là 3,8kg/năm/người, đến năm 2015, con số nay đã là 41kg/năm/người.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tai Hội thảo
Từ năm 2016 đến năm 2018, Bộ TN&MT đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho 37 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất, tính đến tháng 9/2018, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 284/387 tấn.
Hiện nay, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon đang đối mặt với nhiều thách thức như số lượng thải nhựa và túi nilon phát sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng, trong khi một lượng lớn các chất thải này vẫn chưa được phân loại, thu gom, xử lý triệt để; nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy vẫn còn nhiều hạn chế, thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ni lông của người dân vẫn còn phổ biến; Cơ chế chính sách và công nghệ về tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải nhựa vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế, chưa hiệu quả trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Doanh nghiệp khoa học công nghệ mới cho biết chất thải nhựa khó phân hủy gây nhiều vấn đề về môi trường như mất đất do chôn lấp, thời gian phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém…
Tại Hội thảo, các vị đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình quản lý chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam; đề xuất khung chính sách quản lý rác thải nhựa đại dương; giới thiệu, đánh giá một số công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cảm ơn các vị đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực về cơ chế, chính sách, công nghệ xử lý rác thải nhựa. Thứ trưởng tin tưởng rằng trong thời gian tới, với các nỗ lực của cộng đồng chung tay để thay đổi thói quen tiêu dùng, sản xuất, xử lý rác thải nhựa sẽ góp phần làm cho phong trào chống rác thải nhựa thành công trong thời gian tới./.

Toàn cảnh Hội thảo

Bạn cần tư vấn, Liên hệ IDTECH ngay để được hỗ trợ

Hotline: 024.62692732